Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Có nên mua TV 3D trong năm nay?

Có nên mua TV 3D trong năm nay?

Giá thành rẻ hơn, nội dung phong phú hơn và chất lượng hình ảnh được cải thiện rõ rệt. Đây có phải là lý do để chúng ta mua cho mình một chiếc Tivi 3D ở thời điểm hiện tại?
2012 là thời điểm khá thích hợp để sở hữu một TV3D
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một vài yếu tố đánh giá để xác định xem bạn có thực sự muốn mua TV 3D hay không?
Nội dung phong phú và sẵn có
Hiện tại, nếu mua TV3D, khách hàng sẽ được lợi hơn rất nhiều so với trước đây vì nội dung 3D đã phong phú và đa dạng hơn. Thống kê, trên thị trường hiện đã có khoảng 180 đĩa Blu-ray nội dung 3D các loại, từ ca nhạc, điện ảnh tới các tác phẩm điện ảnh bom tấn của Hollywood như Transformer, Cars 2... Tuy nhiên, sử dụng các đĩa này cần có đầu đọc Blu-ray 3D mà hiện tại các đầu này có giá bán còn khá cao, trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng, các dòng cao cấp có giá từ 7 đến 10 triệu và phải mua thêm phụ kiện như cáp HDMI mới.
Bên cạnh những đĩa Blu-ray 3D, nhiều nhà sản xuất truyền hình đã bắt tay thực hiện nhiều chương trình 3D hơn, có thể là mất phí thuê kênh hoặc miễn phí song cũng là cầu nối đưa TV3D đến gần hơn với khán giả. Tiên phong phải kể đến nhà sản xuất truyền hình Nhật Bản Nippon BS và KT Skylife của Hàn Quốc, sau đó là kênh truyền hình Sky 3D và một số kênh thể thao (phát ở Châu Âu và Mỹ).
Tiếp đến là Công ty truyền hình vệ tinh của Mỹ DirecTV Inc cũng đã phát sóng các kênh truyền hình 24 giờ trong ngày đầu tiên trên thế giới chỉ dành riêng cho các chương trình 3D. DirecTV khai trương ba kênh truyền hình chỉ dành cho 3D - một kênh trả tiền chủ yếu tập trung chiếu phim truyện, phim tài liệu và các chương trình khác, và hai kênh theo yêu cầu miễn phí tập trung vào thể thao, âm nhạc và các nội dung khác.
Ở Việt nam, từ cuối năm 2010, đài truyền hình VTC đã bắt đầu phát thử nghiệm chương trình 3D thời lượng 2 tiếng 1 tuần. Nội dung thử nghiệm ban đầu là các bộ phim ngắn do VTC sản xuất, hoặc mua từ nước ngoài, được phát trên kênh truyền hình độ phân giải cao HD3 của VTC. Việc đưa các nội dung 3D lên sóng truyền hình sẽ tạo ra cú hích cho thị trường truyền hình 3D ở Việt Nam.
Thêm đó, tính năng chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D đều có mặt ở các TV3D hiện đại nên người xem có thể trải nghiệm hình ảnh 3 chiều bất cứ lúc nào mong muốn. Đây cũng là một cách mở rộng hơn các nội dung 3D ngày nay.
Chất lượng hình ảnh
Hầu hết chất lượng ảnh của TV3D trong 2 năm qua đã được cải thiện đáng kể, chiều sâu thật hơn, rõ nét hơn và hiện tượng rung nháy cũng giảm nhiều so với người tiền nhiềm mặc dù phải thừa nhận, độ phân giải của nội dung 3D bao giờ cũng giảm một nửa so với nội dung 2D trình triếu trên cùng một thiết bị. Ví dụ như một TV có độ phân giải FullHD 1080p khi phát hình ảnh 2D, nhưng hình ảnh 3D chỉ đạt độ phân giải 540p.
Cho dù chất lượng hình ảnh được cải thiện nhiều, song khi chọn TV3D, khách hàng nên chọn những sản phẩm đạt chứng nhận THX 3D. THX 3D là chứng nhận về tiêu chuẩn kiểm nghiệm các hình ảnh 3 chiều của Mỹ, chỉ những hình ảnh nổi sắc nét, có màu sắc chính xác ở một mức quy chuẩn nhất định mới có chứng nhận này.
Giá thành
Bảng so sánh giá giữa một số model TV2D với TV3D cùng cỡ, cùng nhà sản xuất
Xét về giá thành, các TV3D hiện tại có giá tương đối phù hợp và rẻ hơn rất nhiều so với thời kỳ đầu mới ra mắt và năm 2011. Hầu hết, chúng không đắt hơn những TV2D cùng cỡ, cùng nhà sản xuất là bao.
Theo thống kê, sự chênh lệch giữa TV3D với TV2D cùng cỡ, cùng hãng sẽ dao động từ 31% (với các TV của LG) tới 64% (TV của Toshiba và Samsung) giá thành. Hơn nữa, việc ngày càng có nhiều hãng ứng dụng công nghệ 3D thụ động FPR sau LG như Panasonic, Sony hay Philips sẽ mang đến nhiều lợi ích về giá bán hơn cho người tiêu dùng bởi chi phí ít hơn so với công nghệ 3D màn trập động, chí ít cũng là những chiếc kính đồng bộ kèm theo với giá bán rất rẻ.
Bản thân các TV3D cũng ngày càng rẻ hơn song chất lượng ảnh lại ngày càng cao. Trung bình, một mẫu TV3D 40, 42 inch tại thị trường Việt nam có chất lượng hình ảnh tương đối tốt nhưng không hỗ trợ SmartTV có giá trên dưới 20 triệu đồng hoặc gần 30 triệu đồng. Sở dĩ những mẫu TV có giá gần 30 triệu đồng (Sony KDL 40HX750 và Samsung UA40ES6200) là do nhà sản xuất ứng dụng công nghệ màn trập động dẫn tới chi phí tăng cao hơn khi sản xuất kính đồng bồ. Còn với LG hoặc một số thương hiệu khác, do ứng dụng công nghệ 3D FPR tương tự rạp chiếu phim 3D nên giá thành sản phẩm rẻ hơn mà chất lượng không hề thua kém. Model của hãng (LG 42LM6200, hỗ trợ SmartTV) có giá chưa tới 19 triệu đồng, giá này rẻ hơn rất nhiều so với năm ngoái khi một model TV3D FPR 37/42 inch thường của LG cũng có giá lên tới 27 hoặc 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, công nghệ FPR cũng góp phần giảm thiểu rung nhiễu hay bóng ma nên được khá nhiều khách hàng lựa chọn. Một số model đồng giá khác là Toshiba 40TL20 hoặc TH-L42ET5 của Panasonic có giá 20 và 23 triệu đồng,...
Ngoài ra, một lợi thế với những người yêu thích phim 3D nhưng ngân sách eo hẹp chính là những TV 3D công nghệ Plasma. Hầu hết các model này đều có giá khá tốt, cỡ 50 inch tầm giá cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng, bắng 2/3 thậm chí 1/2 so với các model LED cùng cỡ. Khách hàng có thể lựa chọn TV3D của Samsung như PS43E490 chỉ 12 triệu hay PS51E490 có giá gần 21 triệu đồng. Để yên tâm hơn, họ cũng có thể tìm đến Panasonic - thương hiệu hiện vẫn rất trung thành với công nghệ Plasma trong rất nhiều thiết bị truyền hình của mình cho dù công nghệ này đang bị thất sủng.
Tuy nhiên, nhược điểm với những TV3D Plasma chính là độ phân giải thấp (1024x768p) mặc dù độ tương phản mặc định luôn cao hơn so với LED và do yếu tố công nghệ nên TV3D Plasma không thể sở hữu màn hình mỏng thời trang như các TV3D LED.
Kính 3D
Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn về kính 3D
Thông thường, các kính 3D thường được tặng kèm cùng với TV song số lượng có hạn, chỉ 2 chiếc kính cho mỗi chiếc TV3D. Với những model TV3D cao cấp hơn, số lượng kính 3D tặng kèm có thể là 4 chiếc, 6 chiếc. Với những đại gia đình đông thành viên hơn, số lượng 4 kính là hoàn toàn không đủ, khách hàng sẽ phải tự trang bị thêm. Người dùng cũng có nhiều sự lựa chọn về kính 3D tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thể dùng chéo giữa các hãng khác nhau vì kỹ thuật tạo chiều sâu ảnh có đôi phần "bí quyết" không thể tiết lộ.
Nếu TV sử dụng công nghệ 3D thụ động FPR, việc trang bị thêm một vài cặp kính phân cực sẽ tương đối đơn giản bởi giá thành rẻ, khoảng hơn 300.000 đồng/cặp (16 USD), trong khi một chiếc kính 3D màn trập động có giá từ 23 cho tới 80 đô la Mỹ tùy thương hiệu và vật liệu sử dụng. Tuy các mẫu kính đắt tiền đều sở hữu thiết kế cao cấp và có cổng sạc pin USB, tương thích với đa số thiết bị điện tử ngày nay, nhưng giá thành cũng lại là yếu tố quan trọng không kém khiến khách hàng đắn đo.
Hơn nữa, kính 3D màn trập động có thể sẽ gây nhiều phiền toái cho người dùng vì có thể hết pin giữa chừng, hoặc sóng Bluetooth không ổn định, đeo lâu có thể gây đau đầu với một số người nhạy cảm và trọng lượng bao giờ cũng nặng hơn kính 3D phân cực cho dù đã cải tiến mới. Mẫu kính 3D màn trập động nhẹ nhất trên thị trường hiện nay là của Samsung, 23g.
Kết luận
Có thể nói, năm 2012 là thời điểm thích hợp để sở hữu một TV3D với giá phải chăng, nội dung 3D phong phú, chất lượng hình ảnh ổn sau gần 3 năm nâng cấp và cải tiến mới. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự là người đam mê không gian ba chiều thì nên mua, còn không, đa phần khách hàng mua TV3D (ngay cả các mẫu TV3D cao cấp) nhưng lại chỉ xem 2D hơn là 3D như ao ước ban đầu bởi những bất tiện từ việc đeo kính gây ra.
Theo dientutieudung.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét